Câu chuyện cổ tích giữa đời thường
Vừa qua, anh em Phú Vĩnh Thịnh may mắn đến thăm gia đình tình thương Tê – Phan, quận 3. Và tất cả chúng tôi đã thật sự cảm động về tấm long thương người bao la của anh Hoàng Văn Bình. Anh đã cưu mang những mảnh đời bất hạnh bằng tất cả tình thương của mình.
Ngược thời gian về 16 năm trước, anh Hòang Văn Bình là một người đạp xích lô kiếm cơm. Vốn xuất thân từ dòng Don Bosco chuyên về giáo dục, do hoàn cảnh, sau 1975 anh phải về nhà và lao động để kiếm sống. Tuy nhiên, cũng chính nhờ phải dong đuổi suốt ngày khắp các nẻo đường thành phố, anh đã có nhiều dịp gần gũi trò chuyện với những người già, những đứa trẻ sống ở lề đường. Chỉ trò chuyện và thỉnh thoảng gởi biếu một cụ già cái bánh chưng, trao vội cho đứa bé vài ba cái kẹo. Thế thôi, vì một người đạp xe xích lô sẽ không có hơn như thế, trong hoàn cảnh khó khăn chung của đất nước thời bấy giờ. Khi rảnh rỗi, anh cũng tranh thủ đi thăm người đau ốm đây đó, có khi theo những nhóm bác ái về tận các tỉnh, tìm giúp các em nhỏ lang thang, tàn tật….
Cứ thế, có lẽ anh đã bằng lòng với chính mình nếu không có một đêm mưa gió, trên đường đạp xích lô, anh bắt gập một người đàn ông nằm co quắp dưới mái hiên một ngơi nhà đã đóng cửa, người gầy đét, ho khù khụ liên hồi và tiếng rên yếu ớt. Không nghĩ ngợi, anh xốc ông ta lên xe, phủ vội tấm bạt che mưa xuống và đạp đi. Lúc đã định thần, anh mới giật mình không biết mình sẽ đưa người trên xe này đi về đâu vì theo ông ta thì ông không có nhà cửa, đã bị gia đình ruồng rẫy từ lâu lắm rồi vì nghiện xì ke. Một thoáng suy nghĩ, anh quyết định đưa thẳng ông già về nhà mình, đúng hơn nhà cha mẹ, anh em đang sống chung.
Vậy là từ nay, người đạp xích lô này có thêm một người bạn bệnh nặng và lẽ tất nhiên, có thêm nỗi lo. “lo nhưng lòng vui lắm !”, anh kể như vậy.
Từ đó anh Bình nghiệm ra rằng, những chiếc bánh kẹo nhất thời cho người cùng khổ, bị bỏ rơi, chưa giải quyết được gì để giúp họ trở lại làm người.
Nghĩ là làm, chẳng bao lâu sau, gia đình anh lại thêm một thành viên mới là những đứa trẻ bị tâm thần, bại não và một hai đứa trẻ mồ côi lang thang. tất cả được anh tìm gập, ẵm bồng từ khắp nơi về, có thể trong một bệnh viện, ở một góc chợ hay bị bỏ rơi ngoài cổng một cơ sở nuôi người tàn tật. Đa mang nên cực nhiều, bây giờ, trong lúc đạp xích lô, anh còn phải ghé vào các chợ lúc vắng khách để xin thêm tí rau, có khi vài con cá … về nuôi tập thể những hình hài bé nhỏ, bệnh tật. Chiều về, anh phải tắm rửa, giặt giũ, thay quần áo cho họ.
Vì “đông miệng ăn” nên anh phải “tăng giờ lao động”. Sáng phải thức dậy từ lúc tinh mơ để chậy mối, trong khi tối mịt nửa đêm mới xong hết việc “vú em” cho tám trẻ bất hạnh và một ông già bệnh. Bù lại anh có nhiều niềm vui riêng vì “thấy họ được đời sống con người tử tế hơn !”. Cũng may, công việc của anh được cha mẹ và anh em trong gia đình ủng hộ hết lòng, cùng tiếp tay chăm sóc. Nhà qúa tải, cha mẹ anh cho riêng anh một căn nhà nhỏ (Là “máng cỏ hồng” bây giờ – nguyên văn) để “ra riêng”, ngay cạnh bên nhà ông bà.
Có chỗ rộng rãi hơn, anh lại … kiếm thêm nhân sự. Không mấy chốc, ngôi nhà anh đã đầy ắp người. Lúc này đã có một số ân nhân thấy được công việc ý nghĩa của anh nên tiếp tay, không nhiều, nhưng “đông tay vỗ nên kêu”. Cách đây bốn năm, vì nhà đã trở nên chật chội, một người quen “vừa bán, vừa cho” đại gia đình (anh vẫn thường gọi những người anh cứu mang như vậy) một miếng ruộng nằm trên con rạch cụt ven sông ở Bình Triệu rộng gần 200m². Vậy là một mình anh hì hục đào đất đắp nền, đi xin từng xe xà bần, từng bộ khung nhà ván của các gia đình sống trên kinh Nhiêu Lộc bị giải tỏa về dựng nhà. Ròng rã mấy tháng liền, một ngôi nhà rộng đã hoàn thành với giường tủ, phên vách đều chắp vá từ những phụ liệu cũ đi xin khắp nơi. Tuy vậy rất sạch sẽ và ấm cúng. Khung cảnh cũng thoáng mát.
Anh chuyển tất cả các cụ già và một số em lớn về sống ở đây. Hiện nay, đại gia đình sống trong “máng cỏ hồng” đã có “số nhân khẩu lên trên 50, gồm 33 trẻ vừa mồ côi vừa bệnh hoạn và 17 cụ già từ 70 đến 92 tuổi (đã trừ cụ Hiểu vừa mất). Tất cả các em gọi nhau bằng anh em theo độ tuổi, các cụ được gọi bằng các ba, các má. Anh cũng gọi như vậy.
Như đã nói ở phần trên, mỗi người trong đại gia đình của anh Bình là một cau chuyện của thân phận kiếp người. Phần kết của mỗi câu chuyện trong “máng cỏ hồng”, không biết có chủ quan không nhung chúng tôi cho rằng là những đoạn kết của chuyện cổ tích, ít ra là với chính những thân phận đang sống ở đây.
Má Nguyễn Thị Tuất, 82 tuổi, “nói tiếng Tây như lặt rau”, mọi người trong nhà bảo vậy, nghe đâu ngày xưa dạy trường đầm, không hiểu vì một lý do nào đó, gia đình ly loạn, mấy chục năm trời má không còn người thân thích, sống cô độc trong một ngôi miếu hoang, dạy dỗ cho mấy đứa học trò trong xóm và được các gia đình này cho cơm ăn hàng ngày. Một ngày, má chẳng may bị tai biến mạch não, được cô sinh viên hay đến học tiếng Pháp đưa vào bệnh viện Trưng Vương cấp cứu rồi trở thành “bệnh nhân vô gia cư”, theo cách gọi của bệnh viện. Anh Bình nghe tin, đến rước về nhà và đã nuôi hai năm nay. Giờ thì má đã có thể chống nạng đi lại trong nhà, tỉa mấy khóm hoa phía ngoài cửa. “Không còn gì sướng hơn”, má khoe như vậy.
Má Nguyễn Thị Sương, 91 tuổi, từ năm 1954 đến nay đi suốt từ Bắc vào Nam, ai thuê gì làm nấy, tối đâu ngủ đó, không cồng con, thân thích. Đến một ngày cách đây vài năm thì phần vì tuổi già, phền do bệnh hoạn, đã ngã qụy ở một vỉa hè phố. Có người quen anh Bình đến báo tin, vậy là “đại gia đình” anh lại có thêm một thành viên. Má Sương nay rất khoẻ, có thể đi lại bình thường và nằm kể chuyện … đời xưa cho bọn trẻ
Ba Trần Ngọc Điệp cũng vậy, từ năm 1975 đến nay đi bán vé số dạo, không gia đình, nhà cửa. Rồi cũng bị tai biến dọc đường, có anh xích lô tốt bụng đưa vào bệnh viện Nhân Dân Gia Định. Sau khi ông được điều trị, có một bác sĩ quen cho biết, anh Bình vội vã lên rước về cứu mang. Ba Điệp hàng ngày vẫn tập thể dục đều đều và bắt đầu đi được trở lại. Ông bảo rằng, ngày anh Bình đến đón, ông nói với anh chỉ cần “xin một chút tình thương cho ấm tuổi già”, vậy mà giờ đây ông đã “ấm lắm, lại có cả con cháu quây quần”.Đám tang của má Hiểu mà tôi chứng kiếm hôm qua là người thứ ba trong đại gia đình “ra đi” và được chôn cất tử tế. Theo lệ, khi có một người trong nhà nằm xuống, tất cả cùng tựu về, ai nhỏ tuổi hơn, kể cả anh Bình, đều chịu tang. Thấy những người “đi trước” được ấm cúng, chu đáo khi nằm xuống, các ba, các má ở đây lên tinh thần hẳn. Má tuất nhận xét bằng một câu văn vần rất… Tây : “Tưởng đời bỏ nhưng đời còn thương; tưởng tai ương nhưng còn phúc đức …”
Chuyện các Ba, các Má là vậy, chuyện các em ở đây còn nhiều điều cảm động hơn. Cậu bé Hoàng Nhân Đức (phần lớn những đứa trẻ bị bỏ rơi anh Bình mang về đều không tên tuổi và anh thường lấy họ mình gắn với một cái tên nào đó chỉ hoàn cảnh hay ước vọng của mình đối với cuộc đời em đó). Được ước chừng 13 tuổi, đã về đây hai năm. Em bị liệt chân, hở hàm ếch, không nói được và hơi tâm thần. Ngày trước em lang thang trong một ngôi chợ ở An Giang và không ai biết gốc tích từ đâu, ai cho gì ăn đó. Trong lúc tôi ngồi trò chuyện với anh Bình, em đang mải chơi với mấy đứa nhỏ trong nhà, thỉnh thoảng lại lết đến chúng tôi để được xoa đầu, vỗ về. Anh Bình bảo: “Ngày trước lang thang, bị trẻ con đánh dữ quá nên lúc mới về rất sợ người. Nay thì đã dạn nhiều nhưng đôi lúc vẫn cứ co rúm, cần người lớn an ủi như vậy … “.
Còn Hoàng nhật Tâm, 16 tuổi nhưng hình hài như đứa bé chưa lên mười, ngơ ngơ, cứ đi theo tôi rủ “đá cầu không ? “. Anh Bình đem tâm về lúc đang bị trói ở một vườn điều đâu miệt sông bé vì tâm thần lang bạt, quậy phá nên bà con bắt trói vào vườn điều. Bé Hoàng sinh Thương bại não, ba mẹ bỏ trước nhà anh Bình từ lúc lọt lòng, một mình anh chăm suốt sáu năm nay. Sinh Thương là vì bé như được sinh ra một lần nữa ở nhà tình thương, anh Bình giải thích vậy. Rồi bé Hoàng Ánh Sao bị bỏ rơi trong đêm Noel; bé Hoàng Ái Nhi bị bỏ rơi trong đúng ngày Quốc Tế Thiếu Nhi 1.6.
Nhiều lắm, tất cả đều bị bại não hay thiếu năng tâm thần bẩm sinh …
Ngoài các em bại não, thiếu năng tâm thần, câm điếc … được dạy dỗ ở nhà, còn lại, các em phát triển bình thường, là trẻ mồ côi bị bỏ rơi hay bị khuyết tật chân tay, đều được anh Bình cho đi học. Anh bảo, nếu muốn cuộc đời chúng sau này “thay đổi” thì bây giờ phải trang bị cho chúng chữ nghĩa.
Mà chuyện học cũa các em nào có dễ dàng ! Vì tất cả đều là con xin nên phần lớn không có hộ khẩu, vậy là phải học bán công.
Cũng do không có hộ khẩu nên chẳng được xét miễn giảm học phí. Anh kể, đã nhiều lần, các em bị đuổi học vì anh chưa “chạy” được tiền trường. Vậy là chỉ biết ôm nhau khóc ròng. Đã có lúc anh liều đưa gạo cho các em đem đến trường “đóng tiền” nhưng không đâu nhận, bèn đem ra chợ bán lấy tiền đóng học phí.
Sở dĩ không tiền nhưng có gạo là vì thỉnh thoảng có những người làm từ thiện ghé thăm, phần lớn cho gạo nên có sẵn. Anh cho biết, mỗi lúc cầm gạo (không dư dả gì” của người khác cho đem bán, anh khỏ tâm lắm nhưng cố gắng an ủi rằng “Mục đích cuối cùng cũng vì các em” nên mới nguôi ngoai.
Trong điều kiện như vậy mà đến nay, những đứa tẻ tỉnh táo trong nhà đều được đến trường học và học rất khá. Hiện có 3 em học lớp 12, một học lớp 11, bốn học cấp II vá một số học cấp I và mẫu giáo.
Đặc biệt em Nguyễn Thị Lê, chị cả của nhà, một trong những đứa bé đầu tiên anh cứu mang cách đây 16 năm đang là sinh viên năm bốn khoa Kế Toán trường Đại Học Dân Lập Tôn Đức Thắng. Tôi hỏi “khó khăn sao lại cho các em đi học từ mẫu giáo ?”. Cũng vẫn chất giọng trầm trầm anh giải thích: “Kinh nghiệm chỉ cho tôi như thế. Do phần lớn các em bị bỏ rơi từ nhỏ, không được gia đình chăm chút, tôi lại không rành uốn nắn nên lớp đầu tiên nuôi có dưá phát âm không chuẩn, vậy nên bây giờ phải có cô giáo từ tuổi mẫu giáo …”.Chăm chút cho các em từ cái nhỏ nhất như vậy, đúng là cổ tích đời nay.
Tôi lại lo lắng nghĩ: “các cháu càng ngày càng lớn, lối ra và tương lai ? ”
Như đọc được thắc mắc của tôi anh thổ lộ: “Mấy đứa lớn cho sang ở nhà ông bà nội (ba mẹ ruột anh Bình NV) cạnh bên. Tôi dự định hướng đi của nhà bằng ba bước: Đầu tiên là dắt các em đi, sau đó các em tự đi, cuối cùng là các em sẽ tiếp mình dìu lớp sau”.
Chuyện lớn chưa đến nhưng trước mắt, trong đại gia đình, các em lớn đã có thể đỡ đần anh một số việc như nấu ăn cho cả nhà, dạy các em nhỏ học … với tinh thần như anh em ruột, quả là đáng qúy. Và bằng giọng lo lắng anh nói nhỏ: “còn những em tâm thần, bại não, coi như nuôi suốt đời”
Bà Mười, 82 Tuổi, sống nghèo nhờ con cháu, mỗi tháng dành dụm được 50 ngàn đến giúp các em. Nhà ở cách đó hai cây số, mỗi lần đi về là mất sáu ngàn xích lô. Từ mấy tháng nay, bà cụ dứt khoát đi bộ, để như bà lý giải: “Tiền xích lô, thêm một ngàn nữa đủ mua một hộp sữa cho bé Ánh Sao bại não”. Và, những chia sẻ nhỏ bé nhưng rất chân tình như thế này anh Bình Tâm sự – đã là nguồn nâng đỡ để anh còn nghị lực chèo chống với công việc của mình.